Trong khi quỹ đất và thị trường bất động sản tại TP.HCM đã gần như bão hòa thì các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Những năm gần đây, nhờ sự phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông nên khoảng cách giữa TP.HCM đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thuận lợi hơn.
Trong tương lai gần, cùng với hệ thống đường cao tốc, tuyến metro hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa các đô thị này. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư bất động sản đổ về các thị trường này.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với thế mạnh về tài nguyên biển đang là cái nôi của rất nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng Nam Hiệp Thành đầu tư dự án Beach Garden tại đường Thi Sách, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu. Dự án có tổng vốn đầu tư 930 tỷ đồng, gồm khách sạn 180 phòng và khối căn hộ du lịch gồm 300 căn hộ cao cấp.
Trong Hội nghi xúc tiến đầu tư về du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây, lãnh đạo địa phương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 128 dự án đầu tư du lịch trong và ngoài nước với diện tích 2.704 ha, vốn đầu tư đăng ký là 9.147 triệu USD và 34.789 tỷ đồng. Các dự án tập trung trên địa bàn các huyện như: Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền; thành phố Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.
Lượng khách du lịch đến Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng bình quân 13%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 16%/năm… Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt khoảng 4.550 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt ước đạt 1.026 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư vào 6 cụm du lịch gồm: Cụm du lịch thành phố Vũng Tàu; Cụm du lịch Long Hải – Phước Hải và vùng phụ cận; Cụm du lịch thành phố Bà Rịa – Núi Dinh và vùng phụ cận; Cụm du lịch Hồ Tràm – Bình Châu; Cụm du lịch huyện Côn Đảo; Các dự án du lịch ven sông và rừng ngập mặn trên Sông Dinh, các vịnh hạ lưu Sông Dinh, Sông Ray, Sông Cái Mép – Thị Vải và tuyến nối Vũng Tàu – Cần Giờ.
“Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong phạm vi di chuyển khoảng 100km so với các đô thị lân cận như TP.HCM, Biên Hòa. Rất thích hợp cho những chuyến đi nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần”, một chuyên gia bất động sản nhận xét.
Không có thể mạnh về biển như Bà Rịa – Vũng Tàu song Bình Dương cũng đang là thị trường được các nhà đầu tư nhắm đến bởi tốc độ hóa đô thị rất nhanh, cùng một lực lượng dân số trẻ hùng hậu có nhu cầu cực lớn về nhà ở.
Hiện nay, Bình Dương đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước có thể kể đến các ông lớn như Becamex hay các tập đoàn đến từ Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BCONS đã liên kết với A ASSet Co., Ltd (Công ty con của Tập đoàn PPSN Co., Ltd, Thái Lan) để hợp tác phát triển một loạt dự án bất động sản tại thị trường Bình Dương.
Ông Lê Như Thạch, Tổng giám đốc BCONS cho biết, trong năm 2018 đơn vị này sẽ triển khai các thủ tục để xin Giấy phép xây dựng cho dự án BCONS Suối Tiên (khu phố Tân Lập, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tiếp đến, dự án thứ hai cũng thuộc khu vực này sẽ được BCONS triển khai trong năm 2019 là dự án BCONS Miền Đông.
Đánh giá về xu hướng đầu tư các thị trường vùng ven, ông Dương Minh Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Danh Khôi, cho biết những năm gần đây, khi quỹ đất tại TP.HCM đã khan hiếm thì các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng ly tâm để khai thác những quỹ đất tiềm năng hơn và Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương với vị trí liền kề và hạ tầng phát triển nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư.
Có thể thấy, khi đất nền tại TP.HCM dù có chững lại về giao dịch song giá vẫn chững ở mức cao, các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Lợi thế của các tỉnh này là vị trí không xa TP.HCM, thậm chí như Bình Dương tính ra không xa hơn huyện Củ Chi của TP.HCM hay Bà Rịa tính ra cũng gần như Cần Giờ. Thêm vào đó, giao thông thuận tiện khiến các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào bất động sản các khu vực này hơn.